Chuyển đến nội dung chính

Cây ích mẫu

Còn gọi là ích mẫu thảo, sung úy, chói đèn.
Tên khoa học là Leonurus heterophyllus Sw.
Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Cây ích mẫu cung cấp cho ta hai vị thuốc:
1. Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.
2. Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô của cây ích mẫu. Nhiều người vẫn gọi nhầm là hạt ích mẫu.
Về tên khoa học của cây trước đây căn cứ vào những tác giả trong và ngoài nước, vẫn xác định là Leonurus sibiricus L. Hiện nay theo sự điều tra đối chiếu mới, cây ích mẫu nhân dân ta vẫn dùng làm thuốc phải xác định lại là Leo nurus heterophyllus Sw. mới đúng. Cây Leonurus sibiricus L. cũng có ở Việt Nam nhưng ít phổ biến hơn. Cần chú ý khi nghiên cứu lâm sàng cũng như hóa học và dược lý.
A. Mô tả cây:
Cây ích mẫu có tên như vậy vì có ích cho người mẹ (ích là có ích, mẫu là mẹ). Tên Leonurus do chữ Hy lạp leon là sư tử, oura là đuôi, heterophyllus là lá có hình dạng biến đổi, vì cây ích mẫu giống đuôi con sư tử có lá hình dạng thay đổi.
Ích mẫu là một loại cỏ sống 1-2 năm, cao 0,6m đến 1m. Thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau. Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu; lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa; lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống. Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau. Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu (Hình 4).
Hình vẽ phác họa cây ích mẫu
Ngoài cây ích mẫu mô tả trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu nói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy. Ta có thể tóm tắt sự khác nhau giữa hai cây như sau:
1. Lá trên cùng không chia thùy, tràng hoa dài 9-12mm, môi trên, môi dưới gần bằng nhau Leonurus heterophyllus
2. Lá trên cùng xẻ 3 thùy, tràng hoa hài 15-20mm, môi dưới ngắn hơn môi trên… Leonurus
B. Phân bố, thu hái và chế biến:
Ích mẫu hiện nay chủ yếu mọc hoang, thường thấy ở ven suối, ven sông nơi đất cát, còn mọc hoang ở ruộng hoang, ven đường. Gần đây một số nơi đã bắt đầu trồng để làm thuốc. Nhưng chưa ai tổng kết cách trồng như thế nào để có hiệu suất cao nhất.
Hiện nay nhu cầu ích mẫu rất lớn chỉ trông vào thu hái ích mẫu mọc hoang không đủ. Chúng tôi tóm tắt một số kinh nghiệm trồng ích mẫu tại trạm trồng cây thuốc Nam xuyên (Trung quốc) để tham khảo:
Khi thí nghiệm người ta phân biệt ba loại: Ích mẫu mùa đông cần trồng vào mùa thu, ích mẫu xuân gieo trồng vào mùa xuân hay mùa thu, ích mẫu mùa hạ cũng có thể gieo trồng vào mùa xuân hay mùa thu. Ích mẫu mùa hạ cho hiệu suất cao nhất (9 tấn khô 1 hecta), nhưng thời gian từ khi gieo đến thu hoạch trên 10 tháng, còn các loại mùa xuân hay mùa đông chỉ trên 8 tháng nhưng năng suất chỉ được 4-6 tấn khô/hecta. Gieo hạt thẳng thành luống, mỗi luống cách nhau 17cm, trên mỗi luống cây nọ cách cây kia 7cm cho sản lượng cao nhất. Mỗi hecta cần đến 8-9 kg hạt giống. Khi trồng cần trộn hạt với tro bếp. Vào khoảng tháng 5-6, lúc một nửa số hoa của cây bắt đầu nở thì bắt đầu thu hái. Đem về phơi hay sấy khô là được. Nếu muốn thu hoạch hạt (quả) thì cần chờ khi hoa trên cây đã tàn hết, thu hoạch đến đâu giũ hết quả đến đó. Mỗi hecta cho tờ 350-370 kg quả khô. Mùa thu hoạch cây: tháng 5-9, mùa quả: tháng 8-10.
C. Thành phần hóa học:
Cây ích mẫu Leonurus heterophyllus chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chúng tôi thấy phản ứng ancaloit và tanin (7-8%), flavonozit.
Từ cây ích mẫu Leonurus sibiricus, các nhà nghiên cứu Nhật bản (Nhật bản dược vật học tạp chí 1930, tr.153-158) đã chiết được 0,05% ancaloit gọi là Leonirin C13H19O4N4 có độ chảy 238°C.
Năm 1958, một số tác giả khác (Bắc Kinh y học viện học báo kỳ  I) đã chiết từ ích mẫu Leonurus sibiricus 5 chất có tinh thể: 2 chất đầu là ancaloit và gọi là leonurin A:
C20H32O10N6 có độ chảy 229-230°C, leorunin B: C14H24O7N4  chảy 77-78°C, 86-87°C và 141-142°C.
Năm 1940, Thang Đằng Hán (1940 J.Chem. Soc.vol.7, No.2) chiết từ phần tan trong nước một chất gọi là leonuridin công thức C6H12O3N2 có độ chảy 221,5-2220C. Trong cây và quả ích mẫu, Hứa thực Phương (J. Chem. Soc. vol 2, No.3) còn báo cáo chiết được một ancaloit khác còn gọi là leonurinin có độ chảy 262-263°C với công thức C10H14O3N2.
Tỷ lệ ancaloit cao nhất vào tháng 5, sau đó giảm xuống. Ngoài ra trong cây ích mẫu còn có tanin, chất đắng, saponin và 0,03% tinh dầu.
Hoạt chất của ích mẫu như thế cũng chưa được xác định chắc chắn, nhưng trên cơ sở dược lý người ta thấy trong ích mẫu có 2 loại hoạt chất. Một loại hoạt chất tan trong ête có tác dụng ức chế tử cung, một loại hoạt chất không tan trong ête có tác dụng kích thích tử cung.
Gần đây người ta thấy trong ích mẫu có 3 flavonozit, một trong số flavonozit được xác định là rutin, một glucozit có cấu tạo steroit, một ít tanin, trong toàn cây có leocacdin cùng cấu trúc với stachydrin, một ít tinh dầu. Ancaloit không có tác dụng chữa bệnh.
D. Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng trên tử cung: Nước sắc ích mẫu Leonurus sibiricus 1/5.000 hay 1/1.000 có tác dụng kích thích đối với tử cung cô lập của thỏ cái (dù có thai hay không có thai cũng vậy).
Thỏ cái gây mê bằng urêtan rồi cho uống nước sắc ích mẫu cũng thấy có tác dụng kích thích trên tử cung tại chỗ của thỏ.
Dung dịch nước 10% ích mẫu khô tác dụng trên tử cung mạnh hơn là dung dịch rượu 20%.
Tác dụng của ích mẫu trên tử cung cũng giống như tác dụng của cựa lõa mạch (Claviceps purpurrea).
Điều đáng chú ý là dung dịch rượu hay dung dịch nước ích mẫu tác dụng lên tử cung thì bắt đầu có một giai đoạn hưng phấn.
Nếu trước khi sắc ích mẫu, dùng ête để loại phần tan trong ête đi thì hiện tượng ức chế tử cung không thấy nữa.
2. Tác dụng trên huyết áp: Nước sắc ích mẫu tuy không tác dụng trực tiếp trên huyết áp nhưng làm giảm tác dụng của adrenalin trên mạch máu.
Cao ích mẫu làm giảm huyết áp, nhất là đối với thời kỳ đầu của bệnh cao huyết áp.
3. Tác dụng trên tim mạch. Loài ích mẫu Leonurus quinquelobatus và Leonurus cardia có tác dụng tốt trên tim mạch và đối với cơ tim có bệnh.
4. Tác dụng đối với hệ thần kinh của ích mẫu Leonurus sibiricus mạnh hơn tác dụng của Valerian và Muyghe (Convallaria maialis).
5. Tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng ngoài da. Theo Trung hoa bì phụ khoa tạp chí (số 4-1957, tr.286-292) một số tác giả nghiện cứu thấy nước chiết ích mẫu 1:4 có tác dụng ức chế với trình độ khác nhau đối với một số vi trùng gây bệnh ngoài da.
6. Tác dụng trên viêm thận và phù cấp tính. Trên lâm sàng, ích mẫu chữa khỏi một số trường hợp viêm thận và phù (Trung y tạp chí số 6, 1959 và Trung y dược 1966 kỳ 4, 26).
E. Công dụng và liều dùng:
Từ lâu vị ích mẫu được nhân dân ta dùng, chữa bệnh từ phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh nở, do đó có câu ca dao: 
Nhân trần, ích mẫu đi đâu
Để cho gái đẻ đớn đau thế này?
Thường ích mẫu dùng trong trường hợp đẻ xong bị rong huyết (cầm máu tử cung), chữa viêm niêm mạc dạ con, kinh nguyệt quá nhiều.
Còn dùng chữa huyết áp cao, thuốc bổ huyết, các bệnh về tuần hoàn cơ tim, thàn kinh của tim, chứng tim hẹp nhẹ (stenocardie), chữa lỵ.
Quả ích mẫu dùng với tên sung úy tử làm thuốc thông tiểu, chữa phù thủng, thiên đầu thống (glôcôm).
Dùng ngoài thân và quả ích mẫu giã đắp hay sắc lấy nước rửa chữa một số bệnh như sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.
Theo sách cổ, ích mẫu có tính chất: vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh, những người có đồng tử mở rộng không dùng được.
Liều dùng hằng ngày từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay nấu thành cao. Quả ích mẫu dùng với liều 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có ích mẫu:
Cao ích mẫu : Cây ích mẫu nấu với nước, cô đặc thành cao mềm. Trong nhân dân trước đây thường dùng loại cao này.
Cao ích mẫu bán trên thị trường hiện nay thường không phải chỉ có vị ích mẫu, mà thường phối hợp nhiều vị khác nhau, ví dụ cao ích mẫu của Thanh hóa gồm ích mẫu nước 800g, ngải diệp 200g, hương phụ tứ chế 250g (căn bản theo đơn cao hương ngải thêm bớt một chút)
Đơn cao ích mẫu của Quốc doanh dược phẩm Nghệ An gồm ích mẫu 70%, xuyên khung 2%, đương quy 10%, bạch thược 3%, thục địa 1%, bắc mộc hương 1%, đại táo 2%, trần bì 1%, hương phụ chế 5%, ô dược 2%. Ngay tại mỗi nơi, tùy theo thời kỳ, công thức cũng thay đổi cho nên khi dùng và theo dõi kết quả cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
Cao ích mẫu hiện nay được thống nhất theo đơn: ích mẫu 800g, ngải cứu 200g, hương phụ 250g, tá dược (xirô, cồn 15%) vừa đủ 1000g. 
Cao hương ngải. Xem vị hương phụ.
                                                                                            Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

hoa tam thất

Ngoài củ tam thất (Kim bất hoán) là một trong những dược liệu quý được dùng phổ biến, hoa của cây tam thất cũng được cũng là một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền. *Những tác dụng quý của Hoa tam thất: Tác dụng điều trị mất ngủ, mơ sảng, khó ngủ, ngủ không sâu giấc (Tác dụng này của Hoa tam thất là vô cùng hiệu quả, kể cả với những người mất ngủ kéo dài, kinh niên. Hoa tam thất sẽ giúp bạn giải quyết bệnh mất ngủ một cách triệt để với hiệu quả đáng kinh ngạc). Tác dụng ổn định huyết áp kể cả người mắc huyết áp cao và huyết áp thấp, Hoa tam thất đều có tác dụng rất tốt. Tác dụng tăng lực: Giúp giảm căng thẳng mệt mỏi khi bạn phải làm việc nặng nhọc với cường độ cao ( Đặc biệt trong những ngày mùa hè oi bức ) Tác dụng tốt cho hệ tuần hoàn, tim mạch: Hoa tam thất được chứng minh là vị thuốc rất tốt cho hệ tim mạch. Những bệnh nhân tim mạch nên sử dụng Hoa tam thất hàng ngày để có một trái tim khoẻ mạnh. Tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giú

Cây nàng hai

Cây nàng hai còn được gọi là cây ngứa…. Tên khoa học Cây có tên khoa học là Urtica dioica L. Khu vực phân bố Cây nàng hai mọc ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Ở nước ta cây mọc nhiều ở một số tỉnh phía Nam như: Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu…. Bộ phận dùng Toàn cây gồm lá, thân và rễ của cây đều dùng làm thuốc. Cách chế biến và thu hái Cây thường được thu hái vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, bằng cách nhổ cả cụm cây, để riêng rễ và lá, đem chặt ngắn phơi khô làm thuốc. Thành phần hóa học Cây có tính độc, rất ngứa nên còn được gọi là cây ngứa. Lông cây nàng hai khi dính vào da sẽ gây ngứa, nổi đỏ rất khó chịu bởi trong lông có chứa dịch chất acide formique, chất này gây ngứa, khiến người bị tiếp xúc gãi liên tục gây nổi mụn. * Công dụng của cây nàng hai Những thông tin về cây nàng hai khá ít ỏi, vị thuốc này mới  được sử dụng trong phạm vi nhân dân. Cây thường dùng để điều trị một số bệnh sau: Tác dụng điều trị sốt kéo dài Tác

Ngũ gia bì, cây chân chim (lá lằng)

Tên khác của Ngũ gia bì Ngũ gia bì còn có tên gọi là Cây chân chim ( cùng họ với Nhân sâm ), một số địa phương miền núi phí Bắc còn gọi là : Cây lá lằng, cây đáng, cây chân vịt, Sâm nam, may tảng … Tên khoa học Acanthopanax aculeatus Seem. Khu vực phân bố Ở Việt nam Cây ngũ gia bì (chân chim) thường mọc hoang dại ở khắp các sườn đồi từ Bắc trí Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc. Ở tỉnh Hòa Bình cây chân chim mọc rất nhiều ở sườn đồi và ven suối. Bộ phận dùng Điểm đặc biệt của Ngũ gia bì, chân chim là không sử dụng toàn bộ thân làm thuốc. Mà chỉ dùng vỏ của thân, vỏ của rễ và rễ nhỏ để dùng làm thuốc Ngoài ra lá cũng được dùng làm thuốc điều trị sưng đau. Cách chế biến và thu hái Cách chế biến đơn giản nhất là rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, rồi phơi hoặc sao khô. Thành phần hóa học Trong cây thuốc có các hoạt chất: Saponin, tanin, tinh dầu. Tính vị Ngũ gia bì có vị đắng chát, tính mát * Công dụng Tác dụng làm vị thuốc