Chuyển đến nội dung chính

Bán hạ

Thiên nguyệt lịch sách Lễ ký nói: Vị thuốc này sinh vào giữa mùa hạ nên gọi là cây bán hạ.
Bán hạ là thân rễ phơi hay sấy khô và chế biến của nhiều cây khác nhau, đều thuộc họ Ráy Areceae.
1. Bán hạ Việt Nam gồm những cây Typhonium divaricatum Decne (Arum divaricatum L., Arum trilobatum Lour), Typhonium trilobatum (Schott).
2. Cây bán hạ Trung Quốc Pinellia ternata (Thumb.) Breiter hay Pinellia tuberifera Tenpre.

3. Cây chưởng diệp bán hạ Pinellia pedatisecta (Schott).
Ngoài ra còn một số cây khác nữa, cần chú ‎ khi dùng và nghiên cứu. Cũng nên biết rằng mặc dù cùng một cây tùy theo cũ to nhỏ khác nhau mà cho vị thuốc tên khác nhau. Ví dụ tại một số vùng ở nước ta, củ nhỏ của cây bán hạ thì dùng và khai thác với tên bán hạ, còn củ to cùng cây ấy thì được dùng với tân là nam tinh. Việc sử dụng này không những lẫn lộn trong nước, mà còn xuất khẩu nữa, do sự lẫn lộn như vậy cho nên không thể căn cứ vào bán hạ nhập nội mà k khẳng định là do cây này vì ta có thể nhập vị bán hạ mà ta đã xuất sang Trung Quốc.
Mô tả cây:
Hình minh họa cây bán hạ:

Cây bán hạ Việt Nam (Typhonium trilobatum Schott) (Hình 15) còn gọi là cây củ chóc, lá ba thìa, cây chóc chuột, là một loại cỏ không có thân, có củ hình cầu đường kính tới 2cm. Lá hình tim, hay hình mác, hoặc chia 3 thùy dài 4-15cm rộng 3,5-9cm, phần trần dài 12-27cm. Quả mọng, hình trứng dài 6cm.
Cây bán hạ Trung Quốc (Pinellia ternata Thumb.) Breiter (Hình 16) khác cây bán hạ Việt Nam ở chỗ thùy xẻ sâu rõ rệt hơn. Mặc dầu gọi là bán hạ Trung Quốc để phân biệt với bán hạ "Việt Nam", nhưng có người nói đã thấy cây này mọc ở Lào Cai nhưng chưa được khai thác.
Cây chưởng diệp bán hạ (Pinellia pedatisecta Schott) khác ở những cây trên ở lá chia thành chín thùy khía sâu.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Cây bán hạ ở Việt Nam mọc hoang ở khắp nơi đất ẩm ở nước ta từ Nam chí Bắc. Còn mọc ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Người ta đào rễ (củ), rửa sạch đất cát, lựa củ to (gọi là nam tinh), củ nhỏ (gọi là bán hạ). Có thể dùng tươi (thường chỉ dùng giả đắp lên nơi rắn độc cắn), thường dùng khô có chế biến. Có nhiều cách chế biến mục đích theo quan niệm đông y để giảm bớt độ độc (tẩm cam thảo) hay tăng tác dụng chữa ho (tẩm gừng hay bồ kết). Sau đây là một số cách chế biến thường thấy :
1. Tẩm cam thảo và bồ kết. Củ chóc (bán hạ Việt Nam) rửa sạch ngâm nước trong 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần cho đến khi nước trong hẳn.
Cứ 1kg bán hạ thêm 0,100kg cam thảo, 0,100kg bồ kết và nước cho đủ ngập rồi đun cho đến khi cạn hết nước, vớt ra phơi hay sấy khô. Nguyên nhân chua7 rõ, nhưng chúng ta biết cam thảo có tác dụng giảm độc, trừ ho, bồ kết cũng có tác dụng chữa ho.
2. Tẩm gừng và phèn chua. Củ bán hạ cũng rửa sạch và ngâm nước như trên cho tới khi nước trong. Cứ 1kg bán hạ thì thêm 50g phèn chua và 300 gừng tươi giã nhỏ thêm nước vào cho ngập. Ngâm trong 24 giờ, lấy ra rửa sạch. Đồ cho chín, thái mỏng. Lại tẩm nước gừng : Cứ  1kg bán hạ thêm 150g gừng tươi giã nát, thêm ít nước, vắt lấy nước và cho bán hạ vào ngâm một đêm. Lấy ra sao vàng là dùng được. Phèn chua có tác dụng làm cho hết nhớt.
Chúng ta biết rằng gừng cũng có tác dụng chữa ho. Còn cách chế biến có cần như vậy không, còn phải nghiên cứu thí nghiệm thêm.
Trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân thấy có ghi về chế bán hạ như sau: Phàm dùng bán hạ, phải đem ngâm nước nóng chừng nửa ngày cho hết nhớt, nếu không thời có độc, uống vào ngứa cổ không chịu được. Trong các bài thuốc người ta dùng bán hạ kèm theo cả sinh khương (gừng tươi) là vì sinh khương chế được chất độc của bán hạ. Trong bài thuốc bán hạ Dược điển Trung Quốc 1953 thì chỉ thấy ghi bán hạ không chế dùng cùng với sinh khương.
Theo tài liệu cổ (Lôi Học tức Lôi Công) cũng ghi theo Bản thảo cương mục, người ta chế bán hạ như sau: Bán hạ 120g, bạch giới tử 80g, dấm chua 200g, cho bạch giới tử giã nhỏ vào dấm quấy đều, thêm bán hạ vào ngâm một đêm. Lấy ra rửa sạch hết nhớt mà dùng.
Một phương pháp khác: rửa sạch bán hạ, dùng nước nóng ngâm, thay nước luôn cho hết nhớt, thái mỏng, tẩm nước gừng, sấy thật khô mà dùng. Có thể tán nhỏ thành bột trộn với nước ép gừng, phơi khô dùng.
Như vậy phương pháp ghi trong sách cổ cũng gần như phương pháp ta thường làm nhưng chỉ thêm bạch giới tử cũng là một vị thuốc chữa ho.
Do phương pháp bào chế bán hạ chưa thống nhất như vậy, cho nên khi nghiên cứu cần phải chú ý.
Bán hạ thu hoạch từ mùa hạ đến thu đông.
Đào về rửa sạch đất cát, đãi sạch vỏ mỏng ngoài, ngâm nước phèn cho sạch nhớt, phơi khô là được. Chỉ khi nào bào chế để dùng mới theo những phương pháp nói trên.
Thành phần hóa học:
Bán hạ Việt Nam và chưởng diệp bán hạ chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Bán hạ Trung Quốc, theo Lý Thừa Cố (Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám) có một ít tinh dầu, 0,003-0,013%, một chất ancaloit, một ancol, một chất cay, phytosterol. Ngoài ra còn dầu béo, tinh bột, chất nhầy.
Theo Quốc lập Sơn đông đại học, hệ hóa học (năm 1934, số 3:463-477), trong bán hạ có một chất cay dễ tan trong ête ctylic, dung dịch trong ête có phản ứng ancaloit, nhiệt có tác dụng làm giảm độ cay.
Tác dụng dược lý:
Tác dụng chữa ho: Theo báo Trung hoa y học tạp chí (1954, 5: 325-330) sau khi dùng 1ml cồn iốt 1% gây ho cho mèo, rồi dùng nước sắc bán hạ 20% (1ml tương ứng với 0,2g bán hạ) thì thấy với liều 0,6g bán hạ trên 1kg thể trọng tác dụng chữa ho rõ rệt. Liều ấy cho kết quả tương đương với liều codêin photphat 1g/1kg.
Theo Linh Mộc Đạt (Nhật Bản, 1931) tác dùng của bán hạ là do ancol và ancaloit bay hơi có tác dụng ức chế trung khu và mạt tiêu thần kinh.
Tác dụng chống nôn: Kinh Lợi Bản (1935) đã thí nghiệm trên 6 con chó nặng từ 11,5 đến 28kg, mỗi con tiêm vào da từ 0,01g apomocphin để gây nôn. Cách một ngày tiêm một lần, tất cả tiêm 4 lần. Đến lần tiêm thứ hai thì đồng thời tiêm 5ml dung dịch nước bán hạ (1ml tương ứng với 1g bán hạ); lần thứ 3 trước hết tiêm 5ml dung dịch nước bán hạ, 5 phút sau tiêm apomocphin; lần thứ 4, trước hết tiêm 5ml dung dịch bán hạ và 15 phút sau tiêm apomocphin. Kết quả lần thứ nhất bình quân nôn 13 lần, tiếp tục luôn trong 31 phút 15 giây. Lần thứ hai nôn hai lần, liền trong 16 phút 28 giây. Lần thứ 3 nôn 3-6 lần liên tục 15 phút 40 giây. Lần thứ 4 nôn 2 lần liên tục trong 13 phút 11 giây. Do đó tác giả đi tới kết luận là bán hạ có khả năng ức chế gây nôn do apomocphin. Theo Linh Mộc Đạt (1931) tác dụng chống nôn là do phytosterrol của bán hạ.
Tuy nhiên nếu uống bán hạ sống ngược lại, lại gây nôn, phải chăng đun nóng có tác dụng làm mất chất gây nôn trong bán hạ theo như sách cổ có ghi ?
Độc tính : Theo Dược lý sinh dược học (Nhật Bản 1933) dịch chiết cồn bán hạ gây cho con vật co cắp mà chết. Tác dụng này giống như do tác dụng hưng phấn của bán hạ đối với mạt tiêu thần kinh.
Công dụng và liều dùng:
Bán hạ còn là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phụ nữ có thai bị nôn mửa hoặc chữa nôn trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính.
Nó còn lạ một vị thuốc chữa ho (làm cho long đờm), chữa nhức đầu, đau dạ dày mãn tính.
Ngày dùng 1,5 đến 4g, có thể dùng tới liều từ 4 đến 12g bán hạ đã chế biến hoặc hơn nữa (xem phần đơn thuốc có bán hạ dưới đây). Dùng ngoài, tùy theo liều lượng và dùng tươi, giã nát đắp lên nơi đau.
Trong sách cổ ghi về tính chất và tác dụng của vị bán hạ như sau: vị cay, ôn, có độc, có tác dụng táo thấp (làm khô ẩm thấp), hóa đờm, giáng nghịch (làm hạ hơi đưa lên) hết nôn. Dùng trong những trường hợp nôn mửa, đờm thấp, hen suyễn, đầu nhức, đâu váng, không ngủ, dùng ngoài có tác dụng tiêu thũng. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Vị bán hạ phản với ô đầu, thảo ô.
Đơn thuốc có vị bán hạ dùng trong nhân dân:
Đơn thuốc có vị bán hạ ghi trong Dược điển Trung Quốc 1953: Bột bán hạ 80g, bột gừng sống 50g, nước 3000ml đun sôi và sắc cho đến khi cạn còn 1000ml, lọc qua bông và dùng nước cất pha thêm vào cho đủ 1000ml. Đơn thuốc chỉ chế khi cần đến. Theo Dược điển Trung Quốc, mỗi lần dùng 100-300ml, trung bình mỗi ngày dùng 200-600ml tương ưng với 8-24g hoặc 16-18g bán hạ. Chữa ho và nôn mửa khi có thai.
Tiểu bán hạ gia phục linh thang (đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh) : Bán hạ 8g, phục linh 6g, sinh khương 3g, nước 300ml, sắc còn 100ml. Uống dần trong ngày, chữa phụ nữ có thai, nôn mửa.
Đơn khác dùng chữa hen suyễn, nặng mặt, nằm không được, muốn nôn ọe, bụng dưới nôn nao, cũng dùng chữa nôn: bán hạ chế 40g, sinh khương 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Liều dùng bán hạ ở đây so với đơn tiểu bán hạ có cao hơn, nên uống từ từ, vừa uống vừa nghe, thấy chịu thì uống nữa. Trẻ con ngất bất tỉnh : Sinh bán hạ 4g, bô kết 2g, tất cả tán nhỏ thổi vào mũi.
                                                                             Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

hoa tam thất

Ngoài củ tam thất (Kim bất hoán) là một trong những dược liệu quý được dùng phổ biến, hoa của cây tam thất cũng được cũng là một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền. *Những tác dụng quý của Hoa tam thất: Tác dụng điều trị mất ngủ, mơ sảng, khó ngủ, ngủ không sâu giấc (Tác dụng này của Hoa tam thất là vô cùng hiệu quả, kể cả với những người mất ngủ kéo dài, kinh niên. Hoa tam thất sẽ giúp bạn giải quyết bệnh mất ngủ một cách triệt để với hiệu quả đáng kinh ngạc). Tác dụng ổn định huyết áp kể cả người mắc huyết áp cao và huyết áp thấp, Hoa tam thất đều có tác dụng rất tốt. Tác dụng tăng lực: Giúp giảm căng thẳng mệt mỏi khi bạn phải làm việc nặng nhọc với cường độ cao ( Đặc biệt trong những ngày mùa hè oi bức ) Tác dụng tốt cho hệ tuần hoàn, tim mạch: Hoa tam thất được chứng minh là vị thuốc rất tốt cho hệ tim mạch. Những bệnh nhân tim mạch nên sử dụng Hoa tam thất hàng ngày để có một trái tim khoẻ mạnh. Tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giú...

Ngũ gia bì, cây chân chim (lá lằng)

Tên khác của Ngũ gia bì Ngũ gia bì còn có tên gọi là Cây chân chim ( cùng họ với Nhân sâm ), một số địa phương miền núi phí Bắc còn gọi là : Cây lá lằng, cây đáng, cây chân vịt, Sâm nam, may tảng … Tên khoa học Acanthopanax aculeatus Seem. Khu vực phân bố Ở Việt nam Cây ngũ gia bì (chân chim) thường mọc hoang dại ở khắp các sườn đồi từ Bắc trí Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc. Ở tỉnh Hòa Bình cây chân chim mọc rất nhiều ở sườn đồi và ven suối. Bộ phận dùng Điểm đặc biệt của Ngũ gia bì, chân chim là không sử dụng toàn bộ thân làm thuốc. Mà chỉ dùng vỏ của thân, vỏ của rễ và rễ nhỏ để dùng làm thuốc Ngoài ra lá cũng được dùng làm thuốc điều trị sưng đau. Cách chế biến và thu hái Cách chế biến đơn giản nhất là rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, rồi phơi hoặc sao khô. Thành phần hóa học Trong cây thuốc có các hoạt chất: Saponin, tanin, tinh dầu. Tính vị Ngũ gia bì có vị đắng chát, tính mát * Công dụng Tác dụng làm vị thuốc...

Cây ba đậu

Cây ba đậu còn có tên gọi khác là cây mắc vát, cây bã đậu, lão dương tử, mãnh tử nhân, cây đết, cây phổn (tiếng Mường – Hoà Bình). Đây là loại cây có độc (Chất độc bảng A) nguy hiểm chết người. Chất độc từ hạt ba đậu được cho là còn mạnh hơn cả chất độc lá ngón, được dân gian khuyến cáo không nên dùng. Các bạn cần hết sức lưu ý. Tên khoa học Croton tiglium L. Thuộc họ Thầu dầu Khu vực phân bố Cây ba đậu mọc hoang ở các vùng đồi núi nước ta. Hiện nay loài cây này thường mọc nhiều ở các tỉnh: Hà Giang, Bắc Cạn, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình và một số tỉnh miền Trung. Bộ phận dùng Hạt ba đậu. Cách chế biến và thu hái Lá ba đậu hái quanh năm, quả há vào tháng 8,9 hàng năm (Khi quả đã già) đập quả lấy nhân để sử dụng. Khi dùng hạt ba đậu làm thuốc, phải ép hết tinh dầu bởi tinh dầu ba đậu chứa độc. (Khuyến cáo không dùng vhạt ba đậu làm thuốc) Thành phần hóa học Hạt ba đậu chứa nhiều tinh dầu, trong đó có một chất anbumoza rất độc gọi là crotin (tinh dầu ba đậu cực độc, đ...