Còn gọi là củ sắng, mãn pháo (Lào-Viêntina), krâsang (Campuchia), sắn nước (miền Nam).
Tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. (Dolichos erosus L.), Pachyrhizus angulatus Rich.
Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Cây củ đậu cho ta rễ củ ăn được nhưng lá và hạt có chất độc, cần chú ý khi sử dụng.
Mô tả cây:
Cây củ đậu là một loại cây leo, có rễ củ hình như con quay lớn. Lá kép gồm 3 lá chét, mỏng. Hình hơi quả trám dài 4-8cm, rộng 4-12cm, những lá phía dưới không đối xứng. Hoa màu tím nhạt, khá lớn, mọc thành chùm dài ở kẽ lá. Quả hơi có lông, không cuống, dài 12cm, rộng 12mm, ở khe các hạt hơi lõm xuống. Trong quả có tới 9 hạt, đường kính chừng 7mm, hình thấu kính. Hạt cứng khó giã nhỏ.
Phân bố và thu hái:
Cây củ đậu được trồng khắp nơi ở Việt Nam vùng đồng bằng cũng như miền núi để lấy rễ củ ăn, hạt dùng làm thuốc, nhưng ít dùng vì có độc.
Mùa thu hoạch hạt: tháng 11-12.
Tác dụng dược lý và công dụng:
Rễ củ đậu không độc. Được dùng ăn sống hoặc xào nấu chín. Có khi người ta ép củ lấy nước bôi mặt để làm cho da dẻ mịn màng, khỏi nẻ.
Lá độc đối với cá và với loài nhai lại, nhưng không độc đối với ngựa.
Hạt độc đối với cá và sâu bọ. Tại Trung Quốc, người ta dùng nó để trị các loại sâu hại rau, rệp, rầy bông.
Nhân dân ta vẫn dùng hạt củ đậu giã nhỏ trộn với dầu để chữa một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên có độc, cần chú ý để tránh ngộ độc.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét