Tên khoa học Centella asiatica (L.) Urb. (Hydrocotyle asiatica L. Trisan thus cochinchinensis Lour.) Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
(Cây rau má mọc hoang trong Vườn Chẫu ngày Tết Ất Mùi 2015)
Mô tả:
Rau má là loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá hình mắt chim, khía tai bèo, rộng 2-4cm, cuống dài 2-4cm trong những nhánh mang hoa và dài 10-12cm trong những nhánh thường. Cụm hoa đơn mọc ở kẽ lá, gồm 1 đến 5 hoa nhỏ. Quả dẹt rộng 3-5mm, có sống hơi rõ.
Phân bố, thu hái, chế biến:
Cây mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ, v.v..
Toàn cây khi tươi có vị đắng, hăng hơi khó chịu; khi khô thì chỉ còn mùi cỏ khô. Thu hái được quanh năm. Dùng tươi hay sao vàng.
Thành phần hóa học:
Rau má được nhiều người nghiên cứu, nhưng kết quả chưa thống nhất.
Theo Basu và Lamsal (1947), trong rau má có một ancaloit gọi là hydrocotylin C22H33O8N có độ chảy 210-212°C. Ancaloit này cho các muối axalat với độ chảy 295°C, muối picrat với độ chảy 110-112°C, cloroplantinat 134-136°C.
Theo Bửu Hội, Rakoto Ratsimamanga và Boiteau, trong cây rau má thu hái ở đảo Mangat có chứa một glucozit gọi là asiaticozit với công thức C54H88O23. Thủy phân asiaticozit sẽ cho axit asiatic và glucoza. Chất glucozit này có tinh thể, tan trong rượu, độ chảy 230-233°C, có thể cho một dẫn xuất tan trong nước gọi là oxyasiaticozit có tác dụng điều trị bệnh lao.
Hiện nay, một số tác giả cho rằng hoạt chất của rau má là những saponin (axit asiatic, axit brahmic) có cấu trúc tri-tecpen có tác dụng tới mô liên kết, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng, do đó làm cho vết thương mau lành và lên da non.
Công dụng và liều dùng:
Rau má hiện nay còn là một vị thuốc dùng trong dân gian, đồng thời còn là loại rau người ăn được.
Nhân dân coi vị rau má là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc. Rau má có tính giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, lợi sữa.
Một ngày dùng 30 đến 40g tươi, vò nát vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Thuốc rau má không độc, phụ nữ có thai vẫn dùng được.
Tại một số nước, người ta cũng chú ý nghiên cứu rau má để tìm tác dụng chữa bệnh phong và bệnh lao.
Đơn thuốc có rau má:
1. Chữa đau bụng, đi ỉa lỏng, đi lỵ: Rau má (cả dây, cả lá) rửa sạch, thêm ít muối nhai sống. Ngày ăn chừng 30-40g theo kinh nghiệm nhân dân. Có thể luộc rau má mà ăn như ăn rau.
2. Chữa đau lưng, đau bụng (phụ nữ): Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống một lần, vào lúc buổi sáng, mỗi lần hai thìa cà phê gạt ngang.
3. Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hằng ngày ăn rau má trộn dầu dấm. Hoặc rau má hái về, giã nát, vắt lấy nước, thêm đường vào mà uống.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét