Còn gọi là huyền hồ sách, nguyên hồ.
Tên khoa học Corydalis ambigua Ch. et Schl.
Thuộc họ thuốc phiện Papaveraceae.
Tên vị thuốc vốn là Huyền hồ sách, trong sách thuốc “Khai tống bản thảo”. Vì tên vua Tống là Huyền, nên đổi vị thuốc là Duyên hồ sách. Cho đến nay, Duyên hồ sách vẫn còn là vị thuốc phải nhập từ Trung quốc. Ngay tại Trung quốc, có khi người ta khai thác rễ củ của cây Đông bắc Duyên hồ sách Corydalis ambigua (Pell.) Cham et Schl. hoặc rễ củ của cây Sơn duyên hồ sách Corydalis bulbosa DC. đều thuộc họ thuốc phiện (Papaveraceae).
A. Mô tả cây:
Đông bắc Duyên hồ sách (còn gọi là Duyên hồ sách) cũng như Sơn duyên hồ sách là những loại cỏ sống lâu năm, thân nhỏ chỉ cao 20cm, lá kép xẻ lông chim. Hoa nở tháng 5, màu tím (hình 34).
B. Phân bố, thu hái và chế biến:
Vị thuốc còn hoàn toàn phải nhập.
Duyên hồ sách tốt nhất là thu hoạch ở tỉnh Triết Giang. Rễ củ thu hái về rửa sạch, phơi hay sấy khô. Trước khi dùng phải sao tẩm: muốn có tác dụng hành huyết thì chế với rượu, muốn có tác dụng cầm máu thì tẩm dấm trước khi sao, muốn có tác dụng điều huyết thì sao không, muốn có tác dụng phá huyết thì dùng sống.
C. Thành phần hóa học:
Từ Duyên hồ sách, người ta chiết được các ancaloit như corydalin (C22H27NO4), dehydrocorydalin (C22H28NO4), protopin (C20H19NO5), corybulbin (C21H25NO4).
D. Công dụng và liều dùng:
Duyên hồ sách chủ yếu còn được dùng trong y học cổ truyền: theo YHCT, Duyên hồ sách có tính ôn, vị hơi cay, hơi đắng, không độc vào kinh phế, can và tỳ. có tính chất hoạt huyết, tán ứ, lợi khí, giảm đau. Dùng trong những trường hợp đau bụng, khí hư, ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, thuốc viên.
Đơn thuốc có Duyên hồ sách:
1. Duyên hồ sách thang:
Duyên hồ sách 4,0g
Dương quy 3,0g
Quế chi 3,0g
Can khương 2,5g
Nước 300ml, sắc còn 100ml chia thành nhiều lần uống trong ngày (Hòa hán ứng dụng phương Nhật Bản), chữa đau bụng, đau khi thấy kinh.
2. Chữa già trẻ bị ho, có đờm: Duyên hồ sách 40g, khô phàn 10g. Hai vị tán nhỏ, vo thành viên. Ngày ngậm 4-8g viên thuốc này.
3. Chảy máu cam: Duyên hồ sách tán nhỏ, bọc lụa nhét vào lỗ mũi. Máu ra mũi phải, nhét mũi trái, ra bên trái, nhét mũi phải.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét