Còn có tên là hà thủ ô nam, bạch hà thủ ô, củ vú bò, dậy sữa bò, dây mốc, cây sừng bò cây đa lông, khâu cần cà (Thổ), khâu nước (Lạng Sơn), mã liên an, mã lìn ón, khua mak tang ning (Lào), khua khao (Luang Prabang, chữa ma sìn (Thái).
Tên khoa học Streptocaulon juventas (Lour) Merr. (Apocynum juventas Lour., Tylophora juventas Woodf.)
Thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae.
Mô tả cây:
Hà thủ ô trắng là một loại dây leo dài từ 2 đến 5m. Thân và cánh màu hơi đỏ hay nâu đỏ, có rất nhiều lông, khi già thì nhẵn dần. Lá mọc đối, hình mác dài, đầu nhọn, đáy tròn hoặc hơi hình nón cụt, có lông mịn và nhiều ở mặt dưới, mặt trên cũng có lông ngắn hơn. Phiến lá dài 4-14cm, rộng 2-9cm, cuống lá dài 5-8cm cũng có nhiều lông. Hoa màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim, rất nhiều lông. Quả đại tách đôi ngang ra trông như sừng bò (do đó có người gọi là cây sừng bò). Quả hình thoi, màu xám nhiều lông, dài 7-11cm, rộng 8mm. Hạt dẹt, phồng ở lưng, dài 5-7mm, rộng 2mm, có chùm lông mịn dài 2cm.
Vì cây có nhiều lông trông như mốc cho nên có nơi còn gọi là dây mốc.
Toàn cây bấm thân, lá, quả non chỗ nào cũng ra thứ nhựa trắng như sữa cho nên có tên cây sữa bò.
Streptocaulon griffithii: Hà thủ ô trắng
Streptocaulon juventas: Hà thủ ô nam
Phân bố, thu hái và chế biến:
Cây hà thủ ô trắng mọc hoang ở khắp những đồi núi trọc ở nước ta. Thường ưa những nơi đất đồi cứng vùng Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Rễ củ dài mẫm và trắng, giữa có lõi trông như củ sắn nhưng có vị đắng.
Đào quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa đông hay đầu mùa xuân. Đào về thái mỏng phơi khô.
Công dụng và liều dùng:
Các thầy thuốc Việt Nam coi vị hà thủ ô trắng có cùng một công dụng với hà thủ ô đỏ là làm cho người già trẻ lại, giúp cho sự giao hợp được bền lâu, tóc bạc hóa đen.
Công ty dược liệu của ta vẫn thu mua và bán chung với hà thủ ô đỏ, trong các đơn thuốc thường dùng một nửa hà thủ ô đỏ, một nửa hà thủ ô trắng. Có khi để nguyên không chế biến mà dùng. Nhưng cũng có khi chế như đối với hà thủ ô đỏ. Liều và cách dùng như hà thủ ô đỏ.
Một số vùng dùng củ và thân lá cây chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét.
Có nơi người ta sắc cây này với nước cho phụ nữ đẻ mà không có sữa uống để ra sữa.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét