Còn gọi là hồ tiêu, cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt.
Tên khoa học Piper nigri L.
Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Cây hồ tiêu cho ta hai vị thuốc: Hắc hồ tiêu (Fructus Piperis nigrum) là quả chưa chín hẳn, phơi khô của cây hạt tiêu; Bạch hồ tiêu (Fructus Piperis albi) là quả chín phơi khô và sát bỏ vỏ ngoài đi của cây hạt tiêu.
Mô tả cây:
Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Hình như giữa cây tựa và cây hồ tiêu có một sự sống nhờ nhau, cho nên khi gỡ cây hồ tiêu khỏi câu tựa, phần nhiều cây hồ tiêu bị chết. Thân mọc cuốn, mang lá mọc cách. Lá như lá trầu không nhưng dài và thuôn hơn. Có hai loại nhánh: Một loại nhánh mang quả, và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá.
Đối chiếu với lá là một cụm hoa hình đuôi sóc. Khi chín, rụng cả chùm. Quả hình cầu nhỏ, chừng 20-30 quả trên một chùm, lúc đầu màu xanh lục, sau có màu đỏ, khi chín có màu vàng. Đốt cây rất dòn.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Cây hạt tiêu được trồng ở nhiều tỉnh miền Nam nước ta, nhiều nhất ở Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc, Bà Rịa, Quảng Trị. Tại miền Bắc đã bắt đầu trồng ở vùng Vĩnh Linh, hiện đang cố di chuyển dần ra phía Bắc nước ta.
Hồ tiêu được thu hoạch mỗi năm một lần. Muốn có hồ tiêu đen, người ta hái quả vào lúc xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm, nghĩa là lúc quả còn xanh; những quả còn non quá chưa có sọ rất giòn, khi phơi dễ vỡ vụn, các quả khác khi phơi vỏ quả sẽ săn lại, ngả màu đen. Muốn có hồ tiêu trắng (hay hồ tiêu sọ), người ta hái quả lúc chúng đã thật chín, sau đó bỏ vỏ. Loại này có màu trắng ngà hay xám, ít nhăn nheo và ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín).
Bên cạnh hai sản phẩm nói trên, tuy hiếm hơn, còn có hồ tiêu đỏ, là loại hồ tiêu chín cây hoặc được thu hái khi rất già, ủ chín sau đó được chế biến theo cách thức đặc biệt để giữ màu đỏ của vỏ. Hồ tiêu đỏ có màu đỏ thẫm hơi ngả đen, được sản xuất tại Ấn Độ và tại huyện Chư Sê và Bà Rịa – Vũng Tàu Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của tiêu đỏ sau khi chế biến cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với hạt tiêu đen
Công dụng và liều dùng:
Ngoài công dụng là gia vị, hồ tiêu được dùng làm thuốc kích thích sự tiêu hóa, giảm đau (chữa đau răng), đau bụng. Ngày dùng 1-3g dưới dạng bột hay thuốc viên.
Đơn thuốc có hồ tiêu:
Đơn thuốc bổ kích thích tiêu hóa: Hồ tiêu 5g, thạch tín 0,5g. Hai vị tán nhỏ, dùng hồ viên thành 100 viên. Ngày uống 2 đến 4 viên này làm thuốc bổ, kích thích sự tiêu hóa, ăn ngon cơm. Thuốc có độc dùng phải cẩn thận.
Đơn chữa đi lỏng, ăn vào nôn ra: Hồ tiêu, bán hạ chế, hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng nước gừng viên bằng hạt đậu. Ngày uống 15-20 viên. Dùng nước gừng chiêu thuốc.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét