Còn gọi là tượng đảm, du thông, nô hội, lưỡi hổ, hổ thiệt, long tu (Bình Định).
Tên khoa học Aloe sp. Thuộc họ Hành tỏi Liliaceae.
Mô tả cây:
Lô hội có nhiều loài khác nhau. Một số loài có ở nước ta như:
Lô hội-Aloe vera Livar. sinensis Berger [Aloe perfoliata Lour. (non L.), Aloe bardadensis Mill.var.sinensis Haw.] là một cây hóa gỗ, ngắn, to thô. Lá không cuống, mọc thành vành rất sít nhau, dày mẫm, hình 3 cạnh, mép dầy, mép có răng cưa thô cứng và thưa dài 30-50cm, rộng 5-10cm, dày 1-2cm, ở phía cuống. Cụm hoa dài chừng 1m, thành chùm dài mang hoa màu vàng xanh lục nhạt lúc đầu mọc đứng, sau rủ xuống, dài 3-4cm. Quả nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau nâu và dai.
Tại miền Bắc có trồng một loài lô hội Aloe perfoliata L. chủ yếu để làm cảnh, có lá ngắn hơn chỉ đo được chừng 15-20cm, chưa thấy ra hoa kết quả.
Một số cây lô hội thông dụng ở các nước khác: Aloe vulgaris Lamk., Aloe ferox L., Aloe perryi Bak. v.v…
Phân bố:
Địa lý chủ yếu của lô hội là ở Đông Phi, Ấn Độ, Châu Mỹ.
Tại nước ta, cây lô hội mọc hoang ở bờ biển những tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang, Phan Ri) và Bình Thuận. Ở miền Bắc được trồng làm cảnh nhưng ít hơn.
Tác dụng dược lý:
1. Liều nhỏ (0,05-0,10g) lô hội là một vị thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, vì nó kích thích niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột.
2. Liều cao, nó là một vị thuốc tẩy mạnh, nhưng tác dụng chậm, gây sung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già. Nó gây sung huyết, do đó không dùng cho người lòi dom và có thai.
3. Có tác dụng thông mật (cholagogue).
Dùng liều quá cao (8g) có thể ngộ độc chết người.
Công dụng:
Được dùng trong cả đông y và tây y.
Theo tài liệu cổ, lô hội vị đắng tinh hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt, lương can. Dùng chữa trẻ con cam tích, kinh giản, táo bón. Người tỳ vị hư nhược, sinh tả và phụ nữ có thai không dùng được.
Với liều nhỏ, giúp sự tiêu hóa, ăn không tiêu.
Với liều lớn dùng làm thuốc chữa bệnh nhức đầu khó chữa, sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng.
Còn làm thuốc tẩy hay nhuận tràng. Dùng sau bữa ăn tác dụng sẽ dịu và mau hơn.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét