Mật lợn, mật bò có thể dùng tươi, nhưng vì khó uống và không để được lâu cho nên thường cô đặc thành cao hay cao khô hoặc đem tinh chế thành cao mật bò, cao mật lợn tinh chế.
Cách chế tạo cao mật bò, mật lợn:
Có nhiều phương pháp hiện được áp dụng.
1. Phương pháp của Đội điều trị 10 (Dược học 1961, 2: 13): Lấy 20-30 túi mật hay nữa hoặc ít hơn tùy theo lượng cao muốn có. Rửa sạch vỏ túi mật bằng nước muối 0,9%. Sau đó ngâm vào cồn 90 độ trong 1-2 phút để sát trùng. Đem cắt thủng túi mật và hứng nước mật cho chảy qua vải để lọc. Nước mật đã lọc được đem đun cách thủy, vừa đun vừa khuấy cho tới thành cao đặc. Kinh nghiệm là đun cho tới khi nghiêng bát mà cao không chảy là được. Cao màu vàng hơi xanh, vị rất đắng.
2. Phương pháp của Viện nghiên cứu đông y (Dược học 1964, 2: 12): Phương pháp này nhanh hơn: lấy dao kéo đã khử trùng chọc thủng túi mật, hứng vào một bát to đã khử trùng rồi. Nếu có mỡ, cần loại bỏ mỡ hoặc cho vào bình gạn, với một ít ete, lắc kỹ, mỡ tan trong ete, gạn bỏ lớp ete. Nếu xét nghiệm thấy có giun lambiia, sỏi mật thì không nên dùng phương pháp này. Lọc mật qua vải. Lấy nước phèn chua no (thêm phèn chua vào nước cho đến khi không tan nữa), nhỏ từ từ vào nước lọc mật. Nước lọc mật sẽ kết tủa. Khi nào cho thêm nước no phèn vào dịch lọc mà không thấy kết tủa nữa là đủ phèn rồi. Rửa tủa trên giấy lọc bằng nước cất để loại phèn thùa. Rồi đặt tủa trên một đĩa sắt tráng men sạch đưa vào tủ sấy, sấy ở nhiệt độ dưới 70oC cho tới khi khô, tán thành bột là được cao mật khô.
3. Phương pháp của dược điển Pháp 1949 được áp dụng ở xí nghiệp dược phẩm I (Dược học 1962, 1: 15) có thể dùng cho cả mật bò và mật lợn. Mật bò: 1000g, cồn 90o: 1000g, cồn 70o: 200g. Lọc mật bò qua rây. Thêm cồn 90o vào, khuấy đều. Khuấy như vậy đến 4-5 lần rồi để yên trong hai ngày. Gạn lấy phần trong ở trên. Phần tủa lọc qua giấy lọc xếp nếp. Trong khi lọc cần đậy kín để tránh bay hơi cồn. Rửa tủa còn lại trong bình và trên giấy lọc bằng 200g cồn 70o dùng làm nhiều lần, để lấy hết muối mật. Hợp các dung dịch cồn lại và cô trong áp lực giảm, nhiệt độ dưới 50oC cho tới độ cao chắc. Ta sẽ được cao mật bò màu vàng lục nhạt vị đắng hơi ngọt.
Muốn tinh chế hơn thì khi cô thu hồi cồn, cứ mỗi lít thêm vào 5g than hoạt và 5g caolin đã rửa sạch và tiệt trùng. Lắc trong vài giờ và lắng trong 2 ngày. Lọc trong rồi tiến hành cô trong áp lực giảm nhiệt độ dưới 50oC cho tới khô. Tán bột. Đựng trong lọ kín. Co này gọi là cao mật bò tinh chế khô, màu vàng nhạt, rất dễ hút ẩm, vị nhạt rồi đắng, hít vào gây hắt hơi.
Công dụng và liều dùng:
Mật bò, mật lợn thường được dùng làm thuốc chữa táo bón, bệnh về gan, mật, bệnh về đường tiêu hóa. Ngày dùng 0,50g-1g (uống) hoặc thụt (4g trong 250ml nước).
Mật lợn được dùng chữa ho gà dưới dạng xi rô có chứa 20mg cao mật lợn trong 1ml xiro: Ngày uống 3 lần, mỗi lần trẻ em dưới 1 tuổi uống nửa thìa cà phê, 1-2 tuổi mỗi lần uống 1 thìa cà phê, 2-3 tuổi mỗi lần 1 thìa cà phê rưỡi, trên 3 tuổi mỗi lần 2 thìa cà phê rưỡi. Có thể dùng dưới dạng thuốc viên, mỗi viên chứa 50mg cao bột mật lợn toàn phần. Ngày 3 lần, mỗi lần trẻ em dưới 1 tuổi uống 1 viên 1-2 tuổi uống 2 viên, 2-3 tuổi uống 3 viên; trên 3 tuổi uống 5 viên.
Đơn thuốc có mật lợn hay mật bò:
Viện mật lớn trị táo bón: mật lợn sấy khô tán bột, trộn với tá dược làm thành viên, mỗi viện nhỏ nặng 0,10g. Người lớn uống mỗi ngày 6-12 viên chia làm 1 hay 2 lần vào buổi tối trước khi ngủ hay sáng sớm. Nếu táo bón nhiều có thể uống lúc đầu 20 viên rồi giảm dần xuống.
Viên mật của Đội điều trị 10 và bệnh viện Nam Định: Cao mật bò hay mật lợn 100g, lưu hoàng rửa lại 100g, bột hoạt thạch 150g, tinh dầu bạc hà 20 giọt. Cao mật bò chế theo phương pháp giới thiệu trên, thêm các vị thuốc khác vào rồi làm thành viên 0,15g. Ngày uống từ 20-30 viên chia làm 2 hay 3 lần uống. Dùng trong vòng 10-30 ngày tùy theo bệnh nặng nhẹ. Chữa viêm mật, viêm gan, vàng da, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, phân sống, táo bón.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét