Tên khoa học Ipomoea biloba Forsk, (Ipomoea maritime R. Br., Convolvulus pescaproe L. Batatas maritime Bojer.), thuộc họ Bìm Bìm Convolvulaceae.
Mô tả:
Muống biển là một loại cây cỏ mọc bò rất dài, không mọc leo, phân rất nhiều cành, thân tím như thân rau muống ăn, nhưng đặc và không rỗng như thân rau muống, có hai đường rãnh nông ở hai bên thân dọc theo chiều dài từ mấu nọ đên smaaus kia. Lá mọc cách, gần như hình vuông, phía cuống hình tim, đầu hơi tròn và xẻ thành hai như hình móng chân con trâu, cuống dài 5-7cm, có khi tới 12cm, phiến lá dài 4-6cm, rộng 5-7cm, hai mặt đều nhẵn. Lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Hoa lớn, màu hồng tím, giống như hoar au muống, mọc thành xim ít hoa ở kẽ lá, cuống chung dài 2-4cm, 5 nhị màu trắng dính vào cuối tràng hoa, bao phấn chia 2 ngăn nứt theo chiều dọc, tua nhị phình to phía dưới, có lông,. Bầu thượng.
Khi ngắt lá có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang. Dây mọc bò lan trên mặt đất; bò lan đến đâu, rễ mọc đến đấy.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Muống biển mọc hoang ở khắp ven biển ở nước ta: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, An Giang, Minh Hải (Rạch Giá, Bạc Liêu v.v…) ít khi trồng, muốn trồng thì trồng bằng cành vào mùa mưa, trên đất phù sa. Thu hái vào tháng 5 tháng 6. Hái lá cành non, phơi khô. Có khi dùng cả rễ và cây.
Muống biển còn mọc nhiều ở các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Philipin, Ấn Độ v.v…
Công dụng và liều dùng:
Nhân dân dùng muống biển làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay đua nhức, mỏi, thông tiểu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng.
Dùng ngoài, lá muống biển tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ. Hoặc phơi khô, tán nhỏ rắc lên những nơi bị bỏng.
Tại Campuchia, có nơi dùng lá giã nhỏ, trộn với lá dây đau xương, củ sả và vỏ dừa đốt lấy khói xông lên chỗ trĩ hậu môn.
Liều dùng hằng ngày: 20-30g dưới hình thức thuốc sắc hay thuốc xông.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét