Còn có tên là viên sâm, dã nhân sâm.
Tên khoa học Panax ginseng C. A. Mey. (P. schinseng Nees.)
Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.
Tên nhân sâm do vị thuốc giống hình người. Tên Panax do chữ Hy Lạp pan là tất cả, acos là chữa được, có ý nói vị thuốc chữa được mọi bệnh, ginseng và schinseng là phiên âm chữ nhân sâm.
Mặc dầu vị nhân sâm hiện nay ta vẫn còn phải nhập nhưng công dụng quá phổ biến, nhiều người lầm với môt số cây ta có. Liên Xô cũ, Trung Quốc, Triều Tiên đều đã giúp ta hạt giống và mầm để thí nghiệm.
Nhân sâm (Radix ginseng hay Radix ginseng sylvestris) là rễ chế biến rồi phơi hay sấy khô của cây nhân sâm trồng hoặc mọc hoang.
Mô tả cây:
Cây nhân sâm là một cây sống lâu năm, cao chừng 0,6m. Rễ mẫm thành củ to. Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được một năm (nghĩa là sau khi gieo được 2 năm) thì cây chỉ có 1 lá với 3 lá chét, nếu cây nhân sâm được 2 năm cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét. Cây nhân sâm 3 năm có 2 lá kép, cây nhân sâm 4 năm có 3 lá kép, cây nhân sâm 5 năm trở lên có 4 đến 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét (đặc biệt có thể có 6 lá chét) hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu.
Bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, cây nhân sâm mới cho hoa, kết quả. Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm. Quả mọng hơi dẹt to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm năm thứ 3 chưa tốt. Thường người ta bấm bỏ đi đợi cây được 4-5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống.
Phân bố:
Cây nhân sâm mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Triều Tiên, vùng Viễn Đông của Liên Xô cũ, còn được trồng ở Nhật Bản, Mỹ, nhưng nổi tiếng vẫn là nhân sâm Triều Tiên và Trung Quốc.
Công dụng và liều dùng:
Nhân sâm là một vị thuốc cổ truyền trong đông y. Các sách cổ thường ghi nhân sâm bổ năm tạng (tâm, canh, tỳ, phế, thận) yêu tinh thần, định hồn phách, làm khỏi sợ hãi, trừ tà khí, sáng mắt, uống lâu nhẹ minh, tăng tuổi thọ, chữa các chứng đau ruột, dạ dày, nôn mửa.
Các dùng trong nhân dân như sau:
1. Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã.
2. Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một ít nước đậy nắp. Đun cách thủy, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thủy tiếp tục uống, làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngày dùng 2-6g.
Theo tài liệu cổ, nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (lá có vị đắng, hơi ngọt), vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, dịch thần, ích trí. Dùng chữa phế hư sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí hư, sợ hãi, tiêu khát. Những người bệnh có thực tà không dùng được.
Sau đó do các công trình nghiên cứu về nhân sâm đặc biệt của Liên Xô cũ, Trung Quốc, nhân sâm được tây y công nhận và sử dụng coi như đơn thuốc tây.
Dược thư Liên Xô xuất bản lần thứ 9 năm 1961 công nhận nhân sâm là vị thuốc chính thức trong y học Liên Xô.
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc 5 hay 10% với liều 15-30ml một lần, ngày dùng 3 lần, hoặc dưới dạng cồn nhân sâm với liều 15 giọt một lần, ngày uống 3 lần.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét