Còn gọi là é, é trắng, tiến thực. Tên khoa học Ocimum basilicum L. Var. Pilosum( Willd.) Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Mô tả:
Cây nhỏ sống hằng năm, thân phân nhánh ngay từ gốc tạo thành cây bụi cao 0,5-1m hay hơn. Thân vuông, rõ nhất ở phần thân non, màu xanh lục nhạt, có lông. Lá mọc đơn đối chéo chữ thập, không có lá kèm. Phiến lá hình trứng dài 5-6cm, rộng 2-3cm, màu xanh lục nhạt, mép lá có răng cưa, có nhiều lông nhỏ.
Cụm hoa là những xim co, không có cuống, mỗi xim có gồm 3 hoa có chung một lá bắc. Các xim co này tập trung 2 cái một ở mỗi mấu thành những vòng giả, mỗi vòng 6 hoa, các vòng hoa thường cách nhau với những khoảng cách và tập trung ở đỉnh cành thành những bông với trục bông dài khoảng 20cm. Đài màu xanh, tràng màu trắng, quả bể tư, rời nhau, không tự mở, nằm trong đài tồn tại. Mỗi quả đựng một hạt. Quả hình bầu dục, nhẵn, màu xám đen, khi cho vào nước thì hút nước tao tahnfh một mảng nhầy trắng bao bọc bên ngoài.
Toàn cây vỏ có mùi thơm giữa mùi chanh và sả. Về hình hái, trà tiên giống húng quế chỉ khác phía trên có nhiều cành, lá hoa đều có lông, do đó có tên pilosum (lông mềm thưa). Tên là tiến thực vì ăn ngon, trước kia nhân dân tiến vua chúa dùng.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Nguồn gốc chưa rõ ràng. Có người nói cây vốn có mọc hoang ở nước ta, có người nói mới đây được di thực từ nước ngoài vào. Chỉ biết hiện nay một số vùng nhân dân dùng cây này lấy lá làm thuốc, dùng tươi hay phơi khô trong râm mát àm dùng. Một số người đã biết sử dụng hat để uống như kiểu ta dùng hạt é. Cách sử dụng hạt này trước đây chỉ thấy ở miền Nam nước ta. Việc sử dụng cây này được đưa vào miền Bắc vào khoảng từ 1972-1974.
Công dụng và liều dùng:
Hạt trà tiên là vị thuốc mát, nhuận tràng thường dùng dưới dạng hãm, ngày một đến hai thìa ngâm trong 250ml nước cho đến khi nở hết. Có thể nấu thành chè: Liều lượng như trên nhưng trước khi uống cho thêm đường vào cho đủ ngọt.
Dùng ngoài để đắp lên những nơi viêm tấy. Lá và toàn cây dùng hãm hay sắc chữa cảm cúm, chữa ho. Ngày dùng 10-15g. Có thể dùng nấu nước xông chữa cảm cúm.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét