Còn gọi là bá vương tiêm, hóa ương lặc.
Tên khoa học Euphorbia antiquorum L. Họ Thầu dầu Euphorrbiaceae.
Mô tả cây:
Cây xương rồng là một cây nhỡ, có thể cao tới 7-8m, phân nhiều cành, phị nước, cành có 3 cạnh lồi, lá kèm biến thành gai. Lá ít và nhỏ, cuống rất ngắn mọng nước hình trứng ngược , gân lá không rõ, mọc từ cạnh mép của cành. Hoa mọc thành tán, cuống ngắn từ những chỗ hõm của mép cành. Mỗi cụm hoa gồm 3 tổng bao, hình cầu dẹt, đường kính 1cm, màu vàng, những hoa ở cạnh có cuống ngắn, những hoa ở giữa không có cuống, vòi nhụy tách rời, đầu xẻ 2. Quả có đường kính 1cm. Mùa hoa vào màu xuân.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Cây xương rồng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong nước ta để làm cảnh và làm hàng rào.
Người ta dùng nhựa xương rồng, cành xương rồng bóc bỏ vỏ, nướng nóng. Thu hái quanh năm.
Công dụng và liều lượng:
Nhựa xương rồng có chất độc, tuyệt đối không được để bắn vào mắt. Nhân dân thường dùng nhựa xương rồng để làm thuốc chữa đau bụng, tẩy, tháo nước, nhưng cần pha chế với nhiều vị khác cho đỡ có tác dụng quá mạnh.
Dùng ngoài làm thuốc chữa đau răng, làm thuốc sát trùng, diệt sâu bọ.
Cây có chất độc, dùng phải cẩn thận, không có kinh nghiệm tuyệt đối không nên dùng.
Đơn thuốc chữa đau, nhức răng: Hái cành xương rồng, cạo bỏ gai, đem nướng cho nóng mềm, giã nát, nhặt bỏ xơ, thêm ít muối vào. Dùng ngậm khi đau răng, lấy một miếng thuốc trên, đặt vào nơi răng đau, ngậm chặt lại, nước dãi chảy ra thì nhổ đi. Ngậm độ 3-4 lần/ngày. Sau đó súc miệng sạch. Chú ý tránh nuốt nước, có thể gây đi ỉa.
Nguồn: Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004)
Nhận xét
Đăng nhận xét